Chỉ sau vài giờ khi tiêm mũi vắc xin phòng viêm gan B đầu tiên, bé sơ sinh chưa được 1 ngày tuổi đã có những biểu hiện xấu, toàn thân tím tái. Mọi nghi ngờ đổ dồn vào vắc xin viêm gan B mà bé vừa được tiêm.
Sau nhiều giờ làm việc, chẩn đoán liên tục, các bác sỹ bệnh viện Việt Nam – Cuba (Đồng Hới – Quảng Bình) cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp ở các bệnh viện tuyến Trung ương đã tìm ra được nguyên nhân gây ra bất thường của một bé sơ sinh sau tiêm vắc xin viêm gan B.
Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hân, khoa Sơ sinh bệnh lý, Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình), người thứ 3 từ trái sang, kể cho PV Infonet về những giây phút căng thẳng cứu bé sơ sinh chưa được 1 ngày tuổi bị bệnh tim bẩm sinh.
Đến tận bây giờ, bác sỹ Phạm Thị Ngọc Hân, khoa Sơ sinh bệnh lý, Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình) vẫn chưa thể tin được, những nỗ lực của mình và các đồng nghiệp lại có thể được đền đáp bằng việc cứu sống bệnh nhi, đồng thời, giải được nỗi oan uổng cho vắc xin một cách ngoạn mục như thế.
Ngày 19/7 vừa qua, một cháu bé gái được chào đời tại Bệnh viện Việt Nam – Cuba Đồng Hới trong tình trạng đủ tháng, cân nặng ổn định. Tuy nhiên, chỉ sau vài giờ khi tiêm mũi vắc xin phòng viêm gan B đầu tiên, cháu đã có những biểu hiện xấu, toàn thân tím tái. Cháu đã nhanh chóng được đưa vào khoa Sơ sinh bệnh lý của Bệnh viện để điều trị tích cực.
Bác sỹ Hân kể lại: “Lúc đó, bản thân các bác sỹ chúng tôi cũng biết, người nhà của cháu bé ngoài lo lắng cho tình trạng của con mình, thì còn có một mối hoài nghi rất lớn. Họ cho rằng vắc xin viêm gan B là nguyên nhân của việc con mình phải cấp cứu”.
Với kinh nghiệm điều trị sơ sinh, bác sỹ Hân cùng các đồng nghiệp đã nhanh chóng đưa ra các giả thuyết. Sau một loạt các xét nghiệm, chụp chiếu, tình trạng sốc phản vệ sau tiêm vắc xin đã được các bác sỹ loại trừ.
Cùng với việc điều trị để giữ sự sống cho bệnh nhi mới 1 ngày tuổi, bác sỹ Hân đã tìm cách liên lạc, tìm sự hỗ trợ của các đồng nghiệp tại Bệnh viện sản Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bác sỹ Hân kể lại: “Khi đó, điều mà tôi thực sự mong muốn là làm thế nào để cứu sống cháu bé. Tôi cũng không quen hết các bác sỹ ở tuyến trung ương vốn có nhiều kinh nghiệm. Nhưng ngoài cách liên lạc bằng đường chính thống, tôi cũng tìm cách hỏi han, trao đổi qua facebook của các bác sỹ, và rất may, tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp”.
Chỉ sau 1 ngày, cháu bé sơ sinh 10 giờ tuổi đã được xác định nguyên nhân gây ra tình trạng nguy kịch sau tiêm vắc xin viêm gan B, đó là bệnh tim bẩm sinh có tuần hoàn phổi phụ thuộc ống động mạch, một bệnh lý tim rất nguy hiểm và phức tạp.
Không lâu sau đó chẩn đoán này được khẳng định. Bệnh nhân nhỏ xíu này đã được chuyển viện cấp cứu trên chặng đường gần 400 km trong sự căng thẳng tột cùng của nhân viên y tế và gia đình.
Sau khi bệnh nhân nhập BV Sản Nhi Đà Nẵng 4 tiếng, một ê kíp bác sỹ của Trung tâm tim mạch Bệnh viện E đã bay gần 1000 km từ Hà Nội vào để rồi trong 4 tiếng đồng hồ nghẹt thở can thiệp, đã tạm thời cứu sống bệnh nhi và hóa giải nỗi oan cho vắc xin viêm gan B.
Bác sỹ Hân chia sẻ niềm vui với PV Infonet: “Việc lớn nhất mà bệnh viện tôi đã làm được là giữ sự sống cho cháu bé khi cháu quá nhỏ và trong tình trạng bệnh rất nặng. Đã thế cháu còn phải đi vài trăm cây số đến Đà Nẵng để bước vào một ca phẫu thuật dài. Khi siêu âm và giải thích cháu bị bệnh tim nhưng người nhà vẫn không tin, nghĩ là có điều gì khuất tất. Nhưng giờ thì tốt rồi. Vắc xin đã được giải oan”.