Dự án GIZ: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động nâng cao năng lực y tế địa phương

Thứ bảy, Tháng 4 16, 2016

Trong 2 ngày 11/04/2016-12/04/2016 tại thành phố Tuy Hòa, Phú Yên, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc Tế Đức đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động của Dự án từ năm 2009 đến năm 2015” do PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chủ trì hội thảo (Ảnh: Lê Đức Kim)

Tham dự hội thảo còn có đồng chí Phan Đình Phùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – và gần 150 đại biểu, chuyên gia đến từ các Vụ, Cục của Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án trung ương, tổ chức GIZ, Sở Y tế 5 tỉnh dự án, Ban Quản lý dự án 5 tỉnh, 29 bệnh viện tham gia dự án, các trung tâm sức khỏe sinh sản tỉnh, trung tâm y tế dự phòng tỉnh, và các trung tâm y tế huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng khai mạc và phát biểu (Ảnh: Lê Đức Kim)

Trong 2 ngày làm việc tích cực, sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu tại 5 tỉnh đã cùng nhau chia sẻ các thành tựu của Chương trình, thảo luận các khó khăn, giải pháp và xác định các bước hành động rõ ràng nhằm đảm bảo cho các kết quả sẽ đạt được một cách bền vững.
Trong phiên thảo luận ngày thứ nhất, các cán bộ quản lý dự án đã báo cáo kết quả hợp phần 1 và hợp phần 2, đồng thời đánh giá cao kết quả dự án 2015 và thống nhất kế hoạch hoạt động dự án năm 2016. Tiếp đó, đại diện tỉnh Phú Yên trình bày về kết quả thực hiện thành công công tác kiểm soát nhiễm khuẩn sau khi được dự án hỗ trợ về kỹ thuật và trang thiết bị từ năm 2009 đến nay. Các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn ngày càng được chuẩn hóa , trở thành các hoạt động thường quy nề nếp tại tất cả các khoa phòng trong bệnh viện, góp phần tạo môi trường bệnh viện ngày một ‘‘Xanh – Sạch – Đẹp’’. Qua đó, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện giảm theo từng năm.

Trong phiên thảo luận ngày thứ hai, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, Trung tâm chăm sóc sức khỏe tỉnh Thái Bình đã trình bày về các hoạt động sàng lọc tổn thương tiền ung thư cổ tử cung đã được triển khai và báo cáo kết quả triển khai sàng lọc tại cơ sở, kết quả triển khai toàn tỉnh. Tiếp đó, bác sĩ Lê Thị Hồng Sơn, Phó phòng Nghiệp vụ Y, điều dưỡng trưởng Sở Y tế Nghệ An đã trình bày về các can thiệp của dự án và sự cải thiện chất lượng dịch vụ điều dưỡng tại Nghệ An như: nâng cao năng lực thực hành chắm sóc, nâng cao năng lực quản lý và phát triển nghề nghiệp, nâng cao năng lực hành nghề theo pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đại diện tỉnh Phú Yên báo cáo về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý bệnh viện tại bệnh viện Tây Hòa là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển công nghệ thông tin của ngành Y tế và chiến lược phát triển của bệnh viện, hiệu quả khi áp dụng phần mềm HMIS đã cải thiện năng suất và chất lượng hoạt động bệnh viện đối với bệnh nhân, đối với lãnh đạo bệnh viện, đối với các y bác sĩ và cán bộ công nhân viên, giảm thời gian chờ trong khám và điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện Tây Hóa.

Cuối cùng, bác sĩ Quách Thị Thu Lệ, phó giám đốc bệnh viện Thọ Xuân đã trình bày về công tác nâng cao chất lượng bao gồm : các hoạt động dự án đã triển khai và can thiệp, báo cáo kết quả cải thiện chất lượng hồ sơ bệnh án, cải thiện thời gian chờ đợi của bệnh nhân tại khu vực phòng khám – cận lâm sàng, cải thiện sự hài lòng của người bệnh, cải thiện chất lượng công tác điều dưỡng sau khi dự án can thiệp tại bệnh viện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Ban quản lý dự án chụp với Giám Đốc 5 Sở Y tế (Ảnh: Lê Đức Kim)

Đặc biệt, trong hội thảo lần này các đại biểu đến từ 5 tỉnh tham gia dự án đã có những chia sẻ quan điểm về việc các hoạt động của dự án đã đáp ứng như thế nào với các tiêu chí : tính thích hợp, tính hiệu quả,tính hiệu suất, tác động và tính bền vững. Các tiêu chí này của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế được xây dựng bởi Ủy ban Hỗ trợ Kinh tế, một Ủy ban chuyên biệt nằm trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Các tiêu chí này sẽ đưa ra định hướng giúp đánh giá các chương trình và dự án. Chúng cũng có thể được sử dụng để đánh giá những can thiệp đơn lẻ hoặc các hoạt động và các kết quả đầu ra.

Trong bối cảnh năm 2016 đánh dấu năm hoạt động đầy đủ cuối cùng của dự án. Nội dung thảo luận trên đã chỉ ra các thành tựu đạt được của Dự án đã thỏa mãn mong đợi của các bên có liên quan. Bên cạnh đó, với tinh thần khách quan, xây dựng các tham luận cũng thẳng thắn chỉ ra điểm hạn chế, khó khăn trong quá trình thực tế triển khai của Dự án.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS.Trần Quý Tường, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý Khám, chữa Bệnh đã đề nghi các đơn vị dự án thực 3 yêu cầu để duy trì tính bền vững của dự án sau khi kết thúc:
– Các hoạt động do dự án tác động nếu thấy có lợi thì duy trì, cải tiến thành hoạt đông thường quy.
– Xây dựng quy định của dự án thành quy định của đơn vị, Sở Y tế, Bộ y tế.
– Các lãnh đạo, giám đốc sở, giám đốc bệnh viện đăc biệt quan tâm sát sao đến các hoạt động.

Với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, sự tham gia của các tổ chức kỹ thuật của CHLB Đức, sự phối hợp tham gia tích cực và có trách nhiệm của các đơn vị, sự nhiệt tình tham gia của các cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã của các tỉnh dự án, hội thảo đã đạt được mục tiêu, hiệu quả cao và thành công tốt đẹp.

Dự án tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh là dự án hợp tác song phương giữa Bộ Y tế và Chính phủ Đức thông qua tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ). Giai đoạn 1 của Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2009 và kết thúc vào tháng 9 năm 2012. Giai đoạn 2 của dự án từ 2013 đến dự kiến kết thúc vào tháng 06/2017. Mục tiêu chung của Dự án là cải thiện sức khoẻ người dân thông qua việc tăng cường các dịch vụ y tế có chất lượng và phù hợp cho người nghèo tại các Yên Bái, Thanh Hoá, Phú Yên, Thái Bình và Nghệ An. Trong thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực của các cán bộ Dự án trung ương và Dự án 5 tỉnh, sự hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả của các chuyên gia đến từ CHLB Đức, tiến độ thực hiện của Dự án theo đúng tiến độ đã đề ra. Cho đến nay dự án đã thực hiện các được một số hoạt động quan trọng, có đóng góp thiết thực cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và y tế dự phòng ở các địa phương của Dự án. Các kết quả đạt được của Dự án đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế nói chung, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân, được chính quyền các cấp và ngành y tế đánh giá cao, được nhân dân các địa phương rất hoan nghênh, ủng hộ.
Trong chương trình hợp tác Tăng cường hệ thống y tế tuyến tỉnh, Hội nghị Giao ban đã trở thành một hoạt động thường niên và là một phần không thể tách rời của hệ thống giám sát của chương trình.

Back to Top