Cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện tại Việt Nam

Thứ năm, Tháng 9 22, 2016

Ngày 21/9 tại Hà Nội, Bộ Y tế Việt Nam và Công ty Abbott đã ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác triển khai 2 dự án “Cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện tại Việt Nam” nhằm nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân và hiệu quả điều trị tại các bệnh viện; dự án “Cải thiện dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú” nhằm nâng cao sức khỏe cho phụ nữ ở độ tuổi sinh sản góp phần cải thiện sức khỏe và tầm vóc cho người Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ ký kết, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế và quyền Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Brett Blackshaw đều cho rằng hai dự án được triển khai sẽ góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân, đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ giảm tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam, cũng như cải thiện sức khỏe bệnh nhân và hiệu quả điều trị tại các bệnh viện.Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 tầm nhìn 2030 đưa ra mục tiêu cần khôi phục và phát triển hệ thống dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế trong bệnh viện để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc dinh dưỡng cho các nhóm bệnh và đối tượng đặc thù. Dự án “Cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện tại Việt Nam” sẽ tập trung vào xây dựng chương trình cải thiện chất lượng dinh dưỡng lâm sàng áp dụng trong các bệnh viện tại Việt Nam (VN QIP) bao gồm công cụ sàng lọc dinh dưỡng và quy trình đánh giá dinh dưỡng người bệnh trong bệnh viện, tổ chức đào tạo, hướng dẫn quy trình thực hành VN QIP và quy trình dinh dưỡng lâm sàng chuyên môn cho các cán bộ và nhân viên y tế tại bệnh viện và thực hiện hướng dẫn dinh dưỡng lâm sàng tại bệnh viện Việt Nam. Việc thực hiện dự án sẽ góp phần nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân và hiệu quả điều trị tại các bệnh viện.Dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú tại Việt Nam” sẽ tập trung vào các hoạt động: Xây dựng tài liệu Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú; Nâng cao năng lực kiến thức về dinh dưỡng cho cán bộ y tế và cán bộ thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thông qua triển khai Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú … Số liệu thống kê cho thấy, suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam đã giảm khá nhanh và bền vững (thể nhẹ cân); nhưng suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn ở mức cao trong đó có nguyên nhân do sự thiếu hụt dinh dưỡng của các bà mẹ trong giai đoạn mang thai và cho con bú.Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ thấp còi năm 2014 là 24,9%; tỷ lệ phụ nữ có thai thiếu kẽm là 80,3%, thiếu máu là 32,8%. Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định một trong những định hướng chính giúp cải thiện tầm vóc cho người Việt Nam là can thiệp dinh dưỡng sớm đối với phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai và giai đoạn vàng 1000 ngày đầu đời của trẻ (từ khi mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi).

Back to Top